Hỗ trợ trực tuyến
Tư vấn viên
Đối tác
4.000 tỷ đồng và niềm tin
Sau hơn 3 năm đưa vào sử dụng, cuối cùng, việc thực hiện cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư về hỗ trợ vốn đã có triển vọng.
 
 
Nếu không được bố trí trả nguồn vốn hơn 4.000 tỷ đồng này, Theo Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) sẽ rơi vào tình trạng khốn khó. Hình ảnh môi trường đầu tư sẽ méo mó khi các nhà đầu tư khác sẽ lấy đó để “trông người mà ngẫm đến ta”.              
 
Chủ đầu tư có nguy cơ phá sản
 
Đây là khoản nợ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo cam kết của Chính phủ (Tại Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2014, Thủ tướng Chính phủ). Ngày 3/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 334/TB-VPCP chỉ đạo các Bộ ngành liên quan: “Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông Vận tải giai đoạn 2016 -2020 và các thời kỳ tiếp theo để thanh toán các khoản hỗ trợ vốn cho Vidifi bao gồm chi phí GPMB, tái định cư (khoảng 4.069 tỷ đồng) và trả nợ gốc khi đến hạn của 2 khoản vay nước ngoài”. Tuy nhiên, đã gần 1 năm qua Vidifi vẫn chưa nhận được 1 đồng nào từ chỉ đạo của Chính phủ.
 
Theo Vidifi, nếu khoản nợ 4.000 tỷ đồng không được trả kịp thời sẽ dẫn đến hệ lụy tiền lãi phát sinh do các khoản hỗ trợ chưa được cấp đã lên đến trên 800 tỷ đồng/năm. Vì Vidifi vẫn phải vay với lãi suất 10%/năm cho các khoản chưa được cấp nên nếu tiếp tục chậm sẽ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính của dự án, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Ông Trần Anh Tú, Phó tổng giám đốc Vidifi cho biết, dự án cũng chỉ có thể đảm bảo hoàn trả đủ nợ gốc và lãi vay, thu hồi được vốn đầu tư nếu 3 khoản hỗ trợ của Nhà nước được trả theo đúng cam kết.
 
Mặt khác, Vidifi cũng không trả được các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn được Chính phủ bảo lãnh, ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ vốn nước ngoài, ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam. Dự án đã được 6 định chế tài chính và ngân hàng quốc tế cho vay gồm: Keximbank, Kfw, Citi bank Japan, Sumitomo Mitsui bank, MUFG bank và Sumitomo Trust & Banking. Khi vay vốn nước ngoài, phương án tài chính được duyệt của dự án đã được gửi cho các tổ chức tài chính quốc tế trên, trong đó đã thể hiện thời gian hoàn vốn, lộ trình thực hiện các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án. Vì vậy các tổ chức này rất quan tâm đến tính khả thi của phương án tài chính và khả năng hoàn trả vốn vay đến hạn, trong đó, đặc biệt quan tâm đến tình hình thực hiện các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án.
 
Bên cạnh đó, việc chậm giải quyết nguồn vốn này cho chủ đầu tư sẽ ảnh hưởng đối với môi trường đầu tư khi Chính phủ đang kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực hạ tầng. Được biết, hiện nay có nhiều nhà đầu tư lớn của nước ngoài đang có ý định tham gia đầu tư hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhìn vào thảm cảnh của Vidifi nên đã rất dè dặt trước khi quyết định đầu tư. Mới đây, một số nhà đầu tư từ Úc, Châu Âu đã tìm hiểu và đặt vấn đề chuyển nhượng 1 phần dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Nhưng sau khi khảo sát, các nhà đầu tư này chưa quyết định đi đến đàm phán. Bởi họ vẫn dõi theo các cam kết hỗ trợ của nhà nước đối với dự án.
 
Thực tế khó khăn của dự án đã được ghi nhận trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho dự án này. Phó thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị đã có kết luận, giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ bố trí ngân sách cấp đủ kinh phí cam kết trả cho nhà đầu tư tại dự án này. Do đó, việc sớm giải quyết các khoản hỗ trợ dự án là cần thiết.

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn